PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC VÀ TƯ DUY CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ THCS
« Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích
nước nhà Việt Nam »
Lịch sử vốn là cái nôi của loài người, nó giúp chúng ta
nhìn nhận lại một thời đã qua, một thời oanh liệt với biết bao tự hào. Lịch sử
Việt Nam cũng vậy, cũng là những mất mát, hy sinh, là máu, là nước mắt nhưng rất
đỗi hào hùng. Dạy sử và học sử là một cách giúp thế hệ tương lai biết trân trọng
và giữ gìn và phát huy những gì mình
đang có.
Ngược dòng thời gian lịch sử ta sẽ
thấy hiện ra trước mắt những trang sử sống động, hào hùng của thời kỳ dựng nước
và giữ nước. Nào là Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa để đòi nợ nước, trả thù
nhà. Nào là Lê Lợi khi quân Minh chiếm đất nước, ông nuôi chí lớn đánh đuổi xâm lăng. Quân
nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, ông không chịu khuất. Ông nói:
"Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao
lại chịu bo bo làm đầy tớ người". Nào là Quang
Trung - Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị phản động ở Đàng
Trong và Đàng Ngoài, người đã lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm
lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân
tộc vào cuối thế kỷ XVIII... Do đó là con dân của một dân tộc anh hùng thì việc mỗi người cần phải
hiểu biết về kiến thức lịch sử là vô cùng quan trọng. Vì vậy nhà trường chịu
trách nhiệm cùng với xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, giúp các
em có những hiểu biết về quá khứ, truyền thống của dân tộc, tự hào về thành tựu
dựng nước và giữ nước của tổ tiên, xác định nhiệm vụ hiện tại, có thái độ đúng
với sự phát triển hợp qui luật của tương lai.
Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển,
phụ huynh và học sinh không còn mấy mặn mà với môn học này. Nhều người cho rằng
đây là môn phụ, là môn học thuộc, vừa dài vừa khó. Nhiều em còn sợ và ghét môn
sử bởi độ dài của bài học, và cuối cùng các em chọn cách đối phó để đủ điểm
trung bình mà thôi. Bên cạnh đó cũng do một phần suy nghĩ của các bậc phụ huynh
rằng môn sử sẽ khó chọn ngành nghề cho tương lai. Vì vậy môn sử đã ít nay lại
càng ít người học hơn. Một thực tê là hiếm học sinh lựa chọn môn sử cho kì thi
tốt nghiệp và đại học. Là một giáo viên dạy sử tôi luôn trăn trở một câu hỏi tại
sao học sinh lại quay lưng lại với môn lịch sử? Tại sao lại có quá nhiều em điểm
tử trong các kì thi đại học? Phải chăng có một phần trách nhiệm của người giảng
dạy lịch sử như tôi.
Đi sâu vào tìm hiểu tôi
rút ra những nguyên nhân dẫn đến học yếu môn lịch sử ở học sinh hiện nay là:
- Đa số các em có quan
niệm và thực hiện một cách sai trái trong cách học lịch sử, chỉ biết và nhớ (học thuộc lòng sự
kiện) do đó một thời gian sau quên mất kiến thức.
- Mặt khác ngày nay các
trường hầu như vẫn còn dạy theo phương pháp truyền thống, đó là thầy đọc trò
chép, ghi nhớ thuộc lòng một cách máy móc, hệ quả tất yếu là giảm sút chất
lượng bộ môn dẫn đến một số em nhớ sai, lầm lẩn kiến thức lịch sử.
Vậy làm thế nào để mỗi giờ học sử là
một niềm vui, giúp các em cảm thấy lợi ích của môn sử điều đó phụ thuộc vào phương pháp của người
thầy . Trước hết cần chấm dứt hiện tượng thầy đọc, trò chép, học sinh thụ động
tiếp thu kiến thức một chiều. Sau đó giáo viên phải tạo sự hấp dẫn trong bài dạy,
gây hứng thú, để kích thích sự tìm tòi của các em, khơi dậy trong các em niềm
say mê, muốn tìm về nguồn cội. Ngoài ra có thể cho các em tham quan các di tích
lịch sử, để các em thấy sự hy sinh của cha ông ta. Từ đó, thế hệ trẻ phải giữ
gìn và phát huy truyền thống đã có.
Là giáo viên ai cũng mong học
sinh học tốt, nhưng đừng vì thế mà ép buộc học sinh phải tiếp thu một khối kiến
thúc lớn, hãy để các em tự mình lựa chọn cách học và phát huy sáng kiến của các
em trong các bài học, cho các em xem các đoạn phim tư liệu lịch sử, và để các
em tự nhận xét đánh giá về những gì mình vừa xem.
Hơn nữa phải khiến suy nghĩ xem
lịch sử là môn học phụ không còn tồn tại nữa.
Học lịch sử cũng như học
các môn khác cần phải có trí nhớ, xong nhớ không phải là mục đích của học lịch
sử, mà chủ yếu là phải hiểu, phải phát huy tính tích cực và sáng tạo. Đó là vấn
đề làm tôi luôn trăn trở lo lắng về phương pháp dạy học lịch sử ở các trường
hiện nay.
Trên cơ sở xác định việc
trang bị kiến thức lịch sử cho học sinh là cần thiết nên tôi bắt tay vào việc
nghiên cứu vấn đề “phát huy tính tích cực và tư duy cho học sinh trong
viêc dạy học lịch sử ở trường THCS”.
Nhận thức được tầm quan
trọng của lịch sử đối với thế hệ trẻ nói riêng và nước nhà nói chung, tôi đã
nghiên cứu tìm ra và vận dụng vào một số phương pháp sau đây:
1. Giáo viên phải là người làm chủ lớp học,
thiết lập bầu không khí thân thiện tích cực, chủ động giải quyết mọi tình huống
bảo đảm yêu cầu sư phạm.
Phát huy tính tích cực của học sinh thông qua hàng loạt
các tác động của giáo viên là bản chất của phương pháp giảng dạy mới. Khi nói
đến tính tích cực, chúng ta quan niệm là lòng mong muốn hành động được nảy sinh
từ phía học sinh, được biểu hiện ra bên ngoài hay bên trong của sự hoạt động.
Nhờ phát huy được tính tích cực mà học sinh không còn bị thụ động, học sinh trở
thành các cá nhân trong một tập thể mang khát vọng được khám phá, hiểu biết.
Muốn vậy, điều khó khăn nhất với người giáo viên là: Trong một giờ lên lớp,
phải làm sao cho những học sinh tốt nhất cũng được thoả mãn nhu cầu tri thức,
thấy tri thức là một chân trời mới. Còn những học sinh học yếu nhất cũng không
thấy bị bỏ rơi, họ cũng tham gia được vào quá trình khám phá cái mới. Điều này
là đặc biệt cần thiết, vì học sinh sẽ hào hứng để đi tìm tri thức chứ không còn
bị động, bị nhồi nhét nữa. Giáo viên phải nắm vững yêu cầu nội dung giáo dục, nắm vững
kiến thức và kỹ năng cần truyền đạt đến học sinh để thiết kế dẫn dắt học sinh
đi từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều. Chẳng hạn khi dạy bài 6, lịch sử 8:
Các nước Anh, Pháp, Đức Mĩ
cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX ta thiết lập các câu hỏi dễ trước như:
- Nêu đặc điểm kinh tế nước Anh cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX?
Sau đó nâng dần mức độ khó lên bằng câu hỏi như
- Tại sao Anh được mệnh danh là đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn.
Và cuối cùng để phát huy tính tích cực, tư duy, sáng tạo của học sinh giáo
viên có thể yêu cầu học sinh
- Quan sát lược đồ phân chia thuộc địa thế kỉ XX của bốn đế quốc Anh, Pháp,
Đức, Mĩ hãy so sánh tình hình kinh tế và thuộc địa của bốn đế quốc trên?
2. Sử dụng hợp lý sách giáo khoa và sử dụng có hiệu quả
thiết bị dạy học, phương tiện trực quan.
Giáo
viên cần hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa để nghiên cứu và nắm nội
dung bài học, đặc biệt chú trọng phần chữ nhỏ để làm tư liệu bổ sung kiến thức.
Chẳng hạn khi dạy bài 18 : NƯỚC MĨ
GIỮA HAI CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI(1918-1939) (Lịch sử lớp 8).(SGK
trang 93) ta nên để học sinh đọc phần chữ nhỏ:
"Trong
những 1923-1929 sản lượng công nghiệp của Mĩ tăng 69%,năm 1928, vượt quá
sản lượng của toàn Châu Âu chiếm 48% sản lượng công nghiệp thế giới. Mĩ đứng
đầu thế giới và các ngành công nghiệp sản xuất ô tô dầu lửa, thép … về tài
chính, Mĩ nắm 60% trữ lượng vàng của thế giới."
Với kiến thức phần chữ
nhỏ một lần nữa khẳng đinh nền kinh tế Mĩ chiếm ưu thế tuyệt đối về mọi mặt trở
thành trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính quốc tế.
Ngoài ra sách giáo khoa
cũng là người đồng hành giúp học sinh tự học ở nhà. Chẳng hạn sau khi học xong chương I: Lịch sử thế giới cận đại giáo viên yêu cầu học sinh lập bảng
thống kê về sự kiện chính của lịch sử thế giới cận đại. Như vậy việc lập bảng
thống kê sẽ giúp học sinh phát triển năng lực tư duy, tổng hợp và hệ thống hóa
lạo kiến thức đã học.
Bên cạnh sử dụng sách
giáo khoa, giáo viên nên sử dụng các thiết bị dạy học,
phương tiện trực quan, đặc biệt trong các tiết học có phần diễn biến giáo viên
cần có lược đồ để phần trình bày của mình thêm sinh động, đồng thời giúp học
sinh khắc sâu hơn bài học. Ví dụ khi dạy bài
13, lịch sử 8 Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) phần diễn biến giáo
viên cần cho học sinh quân sát lược đồ để nắm rõ cuộc chiến tranh lúc đầu chỉ
có 5 nước tham chiến sau đó lan sang 38 nước, chiến sự diễn ra ở nhiều nơi,
trên nhiều lục địa, biển và đại dương nhưng chiến trường chính vẫn là châu Âu.
3. Ở một số bài phải làm rõ mối liên hệ dọc theo mạch
kiến thức môn học và mối quan hệ môn với các môn học khác để khắc sâu kiến
thức.
Lịch sử không phải là môn học với những bài tách
rời mà là hệ thống kiến thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi dạy xong một
chương giáo viên cần cho học sinh tư duy và tìm ra mối quan hệ giữa các bài để
kiến thức mà mình nắm được là một chuỗi nối liền, không rời rạc. Ví dụ xong chương
III lịch sử 8 Châu Á thế kỉ XVIII- Đầu thế kỉ XX giáo viên yêu cầu học sinh
so sánh điểm giống của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, và khu vực Đông Nam Á, giúp
học sinh rút ra được về cơ bản các nước trong khu vực này đã bị tư bản phương
Tây xâm nhòm ngó và xâm chiếm từ rất sớm.
Bên cạnh liên hệ dọc, giáo viên cần tích hợp liên
môn để tiết học hấp dẫn, phong phú, đa dạng hơn, ví dụ dạy Chiến tranh thế
giới thứ nhất (1914-1918), khi nói về hậu quả của chiến tranh thế giới thứ
nhất tác động đến các nước tham chiến và không tham chiến, giáo viên nên liên
hệ với văn bản Thuế máu- ngữ văn 8 để học sinh thấy được Việt Nam mặc dầu không
tham gia chiến tranh nhưng lúc này Việt Nam là thuộc địa của thực dân Pháp( môt
nước tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất) nên bị Pháp bóc lột để phục vụ chiến tranh cả
về của cải lẫn con người. Đặc biệt là số người Việt Nam ra chiến trường chết
thay cho Pháp rất nhiều. Để từ đó giúp các em thấy được bản chất của thực dân
Pháp và giáo dục lòng căm thù giặc trong học sinh.
4. Học sinh kết hợp học tập cá nhân với học tập tương
tác, hợp tác, huy động mọi nhóm trình độ (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém) tham
gia xây dựng bài.
Nhóm hoạt động có hiệu
quả là nhóm gồm các thành viên có năng lực đa dạng: Khả năng nhận thức cao,
trung bình và thấp... Với nhóm như vậy, mỗi một vấn đề cần giải quyết sẽ chứa
đựng sự cân nhắc toàn diện hơn.
Mỗi
nhóm đều có 1 nhóm trưởng có năng lực điều hành. Các thành viên trong nhóm cần
có nhiệm vụ, vai trò rõ ràng. Sau mỗi hoạt động nhóm, các thành viên cần thay
đổi vai trò cho nhau, tránh tình trạng mỗi thành viên chỉ đóng một vai trò
trong thời gian quá lâu. Vai trò của các thành viên trong một nhóm bao gồm:
Nhóm trưởng: Là người nhận nhiệm vụ từ
giáo viên, điều hành hoạt động của nhóm, giải thích rõ nhiệm vụ hoạt động của
nhóm, tóm tắt, kiểm tra sự hiểu biết vấn đề trao đổi, thống nhất ý kiến của
nhóm, xây dựng bầu không khí ấm áp, giải quyết các "mâu thuẫn" trong
quá trình hoạt động nhóm.
Thư
kí: Ghi chép, tóm tắt mọi ý kiến, tổng hợp ý kiến, đồng thời cùng các thành
viên trong nhóm trao đổi, đóng góp ý kiến về nhiệm vụ được giao của nhóm, ghi
lại sự tiến bộ của bạn để báo cáo thầy cô.
Báo cáo viên: Thay mặt các thành viên
trong nhóm báo cáo kết quả làm việc của nhóm mình và giải trình ý kiến thắc mắc
trước lớp, đồng thời cùng các thành viên trong nhóm trao đổi, đóng góp ý kiến
về nhiệm vụ được giao qua từng hoạt động.
Các thành viên: Trao đổi, bàn bạc, chia
sẻ, đóng góp, thống nhất chung ý kiến về nhiệm vụ được giao.
Sau mỗi lần các nhóm báo cáo
kết quả thảo luận xong, các nhóm khác có quyền chất vấn để kiểm tra xem nhóm
bạn đã hiểu bản chất của vấn đề chưa.
Đối với bộ môn
lịch sử khi dạy cần cho học sinh nhận thức được rằng: Học lịch sử là quá trình
nhận thức những điều đã diễn ra trong quá khứ để hiểu hiện tại và chuẩn bị cho
tương lai. Học tập lịch sử cũng là để hình dung rõ ràng, giải thích đúng, có cơ
sở khoa học về lịch sủ. Lịch sử là những gì đã qua đi nhưng không hoàn toàn biến
mất mà để lại dấu vết của nó qua kí ức của nhân loại, qua thành tựu văn hoá ,
qua các hiện tượng lịch sử, qua ghi chép của người xưa, qua tên đất, tên làng…nên
khi dạy giáo viên chọn phương pháp dạy học thích hợp.
Như vậy qua việc sử dụng các phương pháp trên, bản thân tôi nhận thấy học
sinh đã cuốn hút và tham gia vào môn học một các tích cực hơn. Nhiều em đã tự
chủ động tìm hiếu và trao đổi vấn đề với bạn và cô giáo. Môn Lịch sử đã từng bước tạo
được sự hứng thú, khơi dậy lòng say mê học tập môn lịch sử ở học sinh. Nhiều học
sinh đã có sự quan tâm đến các sự kiện lịch sử, muốn tìm tòi, khám phá. Chính
vì vậy mà các em không còn xem nhẹ môn học này, không còn coi môn lịch sử là
“môn phụ” nữa.
Trên đây là những biện pháp mà bản thân tôi đúc rút
được trong những năm công tác, ngoài ra giáo viên còn có thể sử dụng nhiều
phương pháp khác để kích thích tính tích cực và
tư duy cho học sinh, đồng thời trang bị cho các em những tri thức cần thiết để làm hành trang bước vào
đời, có trình độ khoa học kĩ thuật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước,
xứng đáng là chủ nhân tương lai cho nước nhà trong thế kỉ XXI.