Ngày 20.10 năm nay, tôi nhận được tin nhắn chúc mừng nhân ngày phụ nữ Việt Nam của một học sinh cũ. Chỉ là một lời chúc bình dị nhưng sao tôi thấy lòng vui vẻ lạ thường. Trong tôi, kỷ niệm về học sinh cũ bất chợt dâng trào. Và tôi nhớ em, nhớ cậu bé Quang Huy của lớp 6A mà tôi là giáo viên chủ nhiệm.
Năm ấy, khi nhận chủ nhiệm lớp, tôi đã
chú ý đến em, một cậu bé đen nhẻm có đôi mắt to linh lợi. Em là học sinh xuất
sắc của bậc học Tiểu học. Từ đầu năm học lớp 6, em đã biểu lộ năng khiếu học
toán và được chọn bồi dưỡng trong đội tuyển của trường. Nhưng rồi qua học kỳ 2
em học đuối dần, thỉnh thoảng lại bỏ học. Khi tôi hỏi chuyện, em thường ấm ứ
rồi sau đó cứ lãng tránh tôi. Tìm đến nhà em, tôi trò chuyện với ông bà ngoại
của em (bố mẹ em đi làm ăn ở tỉnh Đồng Nai vài tháng mới về nhà một lần) thì
được biết em vẫn ôm cặp đi học đều đặn, có điều dạo này ông bà hay bị mất tiền.
Tìm đến và chuyện trò cùng mấy bạn thân của em, tôi được biết Quang Huy hay đến
quán Internet. Thế là mọi việc đã rõ. Tìm ra được nguyên nhân nhưng làm thế nào
để kéo em trở lại quỹ đạo của một học sinh giỏi trước đây? Làm sao để em không
bị nghiện Game? Bao nhiêu là câu hỏi được đặt ra. Bao nhiêu là giải pháp được
thực hiện. Tôi dành nhiều thời gian trò chuyện với em hơn các học sinh khác. Từ
chuyện nhà, chuyện lớp, chuyện bạn bè đến cả
những chuyện về những người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau. Có lúc đến lớp không thấy em, tôi đến quán
Internet tìm và kiên quyết chở em về lớp học. Tôi đặt ra phần thưởng cho riêng
em nếu em đạt giải học sinh giỏi. Cũng có lúc tôi chở em từ quán Internet về
thẳng nhà em đúng lúc ông bà đang làm vườn. Tôi tỉ tê với em về nỗi nhọc nhằn
của ông bà khi đã già cả, đau yếu mà phải chăm lo cho đứa cháu nhỏ.

Thực sự mà nói, để giúp em trở lại lớp,
trở lại với những hoạt động bình thường như bao học sinh khác, tôi đã mất quá
nhiều công sức và thời gian trong lúc tôi còn gia đình, con nhỏ, còn bao nhiêu
việc ở trường. Cũng có lúc mệt mỏi, tôi đã định buông tay. Nhưng rồi nghĩ đến
ông bà ngoại của em tôi lại thấy bùi ngùi, nghĩ đến thành tích học tập của em
trước đây tôi lại thấy tiếc cho em. Tôi nhớ có lần đến quán Internet tìm em
không có, tôi buồn rầu ngồi ở cửa quán. Trời nắng nóng, mồ hôi chảy đầm đìa
trên trán tôi, nhỏ từng giọt, từng giọt … Chợt có tiếng rụt rè:
-Thưa… thưa cô…
Tôi quay lại. Quang Huy đứng sau lưng
tôi, hai tay vặn vào nhau. Tôi nhìn em, giọng mệt mỏi:
- Cô chỉ đến tìm em lần này nữa thôi, nếu
em không thể từ bỏ được những trò chơi điện tử hấp dẫn ấy thì cô cũng không còn
sức để theo em thế này.
- Dạ … thưa cô, cô cho em về cùng với…
Lần đó, tôi không chở em đến trường THCS Mỹ Thủy mà chở em về trường
Chuyên - nơi có các anh chị đang được bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện. Tôi
chỉ cho em thấy rằng nếu em được vào học lớp chuyên toán của huyện thì sẽ được
thế này, được thế kia và ông bà em cũng sẽ tự hào về em biết nhường nào.
Sau lần đó em đi học đầy đủ hơn, thuộc bài cũ nhiều hơn. Tôi biết em vẫn
đến quán Internet nhưng chỉ vào ngày chủ nhật. Rồi sau đó cô giáo bồi dưỡng môn
toán vui mừng báo tin cho tôi về các bài kiểm tra đạt điểm cao của em. Tôi thấy
lòng nhẹ nhõm vô cùng. Trong kỳ thi Học sinh giỏi Huyện, em đạt giải Nhì môn
Toán lớp 7, lên lớp 9 em đạt giải Ba môn Toán trong kỳ thi Học sinh giỏi Tỉnh.
Ngày ra trường, em có tâm sự với tôi về cái lần em trốn ở quán Net khi
thấy tôi đến. Chứng kiến cảnh tôi ngồi buồn, mồ hôi chảy đầm đìa, em thực sự
cảm động. Em bảo rằng em thấy thương tôi.
Thời gian dần trôi, cậu bé say trò chơi điện tử năm nào nay đã là sinh
viên năm 4 của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Với tôi,
kỷ niệm buồn vui về cậu hòa trong vô vàn kỷ niệm của người làm nghề “đưa đò qua
sông”. Tôi - cũng như các bạn đồng nghiệp của mình - đồng hành với những vui
buồn của “khách sang sông”, chưa bao giờ nghĩ đến việc buông tay chèo. Mệt
nhọc, gian khổ nhưng tôi vui khi thấy người “qua sông” vững vàng bước tiếp hành
trình rộng mở phía trước.